Đăng nhập / Đăng ký
Tin Mới
Số lượt truy cập
Số người đang xem: 33
Tổng số người: 14590900
Cần có tư vấn độc lập về sự cố Sông Tranh 2

Theo Giáo sư Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hội Cơ học thủy khí Việt Nam, cho rằng có một sự bất cập ở chỗ thành viên của Cục Giám định cũng chính là thành viên của Hội đồng giám định, nghiệm thu nhà nước trước đó đã duyệt các nước thiết kế, thi công, nghiệm thu. Vì thế kết luận mà họ đưa ra sẽ không khác của EVN.

Các nhà khoa học đề nghị cần có tổ tư vấn độc lập để xác định nguyên nhân chính xác của sự cố rò nước qua thân đập thủy điện Sông Tranh 2.
> Thủy điện sông Tranh 2 xuất hiện nhiều vết nứt
> Nước chảy như suối qua vết nứt đập thủy điện
> Sẽ tổng kiểm tra đập thủy điện Sông Tranh 2

Chiều qua, dòng nước thẩm thấu vẫn tuôn chảy về hạ lưu qua thân đập. Ảnh: Trí Tín.

Trong khi Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định sự cố rò rỉ đập sông Tranh 2 đã giảm thấm khoảng 80%; đồng thời, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đã có kết luận sơ bộ và khẳng định công trình vẫn an toàn. Nhưng đến chiều qua, nước thẩm thấu qua khe nhiệt vẫn chảy như suối.

Giới khoa học đề nghị, cần lập tổ tư vấn để tìm hiểu chính xác nguyên nhân sự cố nhà máy thủy điện Sông Tranh 2, Quảng Nam.

Theo Giáo sư Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hội Cơ học thủy khí Việt Nam, cho rằng có một sự bất cập ở chỗ thành viên của Cục Giám định cũng chính là thành viên của Hội đồng giám định, nghiệm thu nhà nước trước đó đã duyệt các nước thiết kế, thi công, nghiệm thu. Vì thế kết luận mà họ đưa ra sẽ không khác của EVN.

"Muốn biết nguyên nhân dẫn đến sự cố đập Sông Tranh 2, cần một đoàn chuyên gia kỹ thuật chứ không phải các cán bộ quản lý nhà nước. Đoàn nên gồm các chuyên gia có kiến thức và kinh nghiệm ở nhiều lĩnh vực khác nhau như thi công, vận hành, thiết kế, thẩm định, chuyên gia động đất, vật liệu", ông Hùng nói.

Đồng tình quan điểm trên, giáo sư Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hiệp hội Đập lớn Việt Nam, cho rằng sự cố Sông Tranh 2 không hề bình thường.

Ông Giang đề xuất mời các chuyên gia tư vấn độc lập, có thể là trong nước hoặc nước ngoài, với trang thiết bị hiện đại mới mong có cách khắc phục tốt nhất.

Về nguyên tắc, khi xây đập thủy điện, việc để nước từ các khe nhiệt thấm xuống hạ lưu là không được phép, ông Giang nói, và thêm rằng "chỉ khi thi công không đúng kỹ thuật mới xảy ra sự cố như vậy".

"Khi xây dựng, các khe tỏa nhiệt giữa các khối bê tông phải được xử lý không cho nước vào khe. Khe này có thể làm bằng cao su, nhựa, tốt nhất là bằng đồng, hoặc có thể phun chất chống thấm như đổ nhựa đường. Đằng này ở đập sông Tranh các khe lại để nứt toác ra, việc nước thấm qua là đương nhiên", ông Giang nói.

"Đối với đập thủy điện Sông Tranh 2, biện pháp hữu hiệu và khoa học nhất nên làm hiện nay là mời tư vấn độc lập có kinh nghiệm vào cuộc, không thể xem chuyện thấm đập là bình thường, nhất là nơi từng có động đất", tiến sĩ Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng viện Thủy lợi Nam Bộ, nói.

Theo ông Trường, bất cứ sự cố nào, muốn xử lý, phải xác định rõ, chính xác nguyên nhân. Để làm điều này, cần kiểm tra lại hồ sơ thiết kế, quá trình thi công đối chiếu với tiêu chuẩn thiết kế, an toàn của đập kể cả đặc thù về kiến tạo địa chất, địa chấn và cấp động đất trong vùng.

Các công nhân khắc phục sự cố bằng phương pháp thủ công. Ảnh: Trí Tín.

Phải xác định rõ nguyên nhân

Giới khoa học cho rằng, việc khắc phục sự cố thủy điện sông Tranh 2 hoàn toàn có thể làm được nếu xác định chính xác nguyên nhân. Đập thủy điện Sông Tranh 2 là đập bê tông đầm lăn có ưu điểm là ít dùng xi măng, nhiệt tỏa ra ít hơn, khi thi công đổ thành khối lớn, tốc độ xây dựng rất nhanh.

Tuy nhiên phương pháp này có nhược điểm là nếu chất phụ gia và cấp phối không đúng tiêu chuẩn thiết kế, hoặc quá trình thi công không tốt thì rất dễ gây ra thấm.

Với đập bê tông đầm lăn, khi thiết kế phải làm sao cho nước không thấm được qua khe nhiệt bằng cách sử dụng tường chống thấm, hệ thống màng thu, gom nước thấm. Theo ông Phạm Hồng Giang, nếu xác định rõ nguyên nhân nước chảy ở hạ lưu là do thấm qua khe nhiệt như ý kiến của EVN, thì phải chống thấm từ thượng lưu. Có hai cách là khô hoặc ướt.

Nếu xử lý khô thì phải hạ thấp mức nước hồ chứa xuống, làm khô mái thượng lưu, tìm xem chỗ nào thấm, và dán màng chống thấm, hoặc phủ sơn chống thấm vào các khe.

Cách làm ướt là cử thợ lặn xuống nước, dán lớp màng chống thấm vào khe nứt. Ông Giang nhận định, đây là biện pháp hiệu quả. Giải pháp này không cần giảm mức nước trong hồ, nhà máy thủy điện vẫn có thể hoạt động bình thường.

Tuy nhiên, với thực tế là nước ở đập Sông Tranh 2 chảy thành dòng như hiện nay, giới khoa học cũng không loại trừ nguy cơ là do đập bị nứt, và lo ngại về hậu quả nếu điều này xảy ra.

"Với dung tích của Sông Tranh 2, nếu vỡ đập, cả một huyện ở đây sẽ bị xóa sổ. Vì vậy, cần khẩn trương đưa ra nguyên nhân và xử lý", ông Giang nhấn mạnh.

Lo ngại

Đại diện chính quyền địa phương cũng bày tỏ quan điểm là các ngành cần lắng nghe ý kiến của giới chuyên gia để đưa ra phương án xử lý tốt nhất.

Ông Nguyễn Kim Sơn, Phó bí thư thường trực Huyện ủy Bắc Trà My (Quảng Nam) bày tỏ hôm đầu tuần này: “Chúng tôi chưa tin kết luận của Cục giám định Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng đưa ra về tình hình thủy điện Sông Tranh 2".

"Không thể xem thường sự rò rỉ nước từ thân đập thủy điện", ông Đặng Phong, chủ tịch UBND huyện Trà My, địa bàn của công trình, lo lắng. "EVN nói sẽ khắc phục rò đập chậm nhất đến tháng 7 là quá chậm. Mưa lũ sớm tràn về đe dọa đến con đập thì mối nguy cho tính mạng người dân vùng hạ lưu thật khó lường".

Tỉnh Quảng Nam đang lên phương án rà soát các công trình đập thủy điện trên địa bàn để đảm bảo an toàn. Hôm nay, đoàn công tác của huyện Bắc Trà My sẽ kiểm tra các điểm rò rỉ nước ở đập chính thủy điện Sông Tranh 2 cả bên ngoài lẫn bên trong đường hầm xuyên qua đập.

Thủy điện Sông Tranh 2 có tổng mức đầu tư 5.194 tỷ đồng, xây dựng từ tháng 3/2006 gồm hai tổ máy (tổng cộng 190MW). Cuối năm 2010 cả hai tổ máy này đều chính thức phát điện. Bờ đập chính của hồ chứa nước xây dựng nằm sát tỉnh lộ 616. Hiện dung tích hồ chứa nước của thủy điện Sông Tranh 2 thuộc hàng lớn nhất miền Trung, với khoảng 730 triệu m3 nước, được thiết kế cao hơn vùng hạ lưu khoảng 100 m.

Việc nước chảy xuyên qua thân đập Sông Tranh 2 được phát hiện từ trung tuần tháng 3, với các vết nước thấm, chảy và thậm chí cả vòi phun gây lo ngại cho công chúng. Chủ đầu tư là Điện lực Việt Nam (EVN) đã cho kiểm tra và đưa ra các biện pháp khắc phục, như cho công nhân dùng xi măng trám vào các khe nứt ở hạ lưu, thông khe thu nước trong thân đập... EVN cho hay lượng nước này xuất hiện là do thấm qua khe nhiệt, và đã giảm đến 80%. Tuy nhiên cho đến hôm qua, tức là gần hai tuần sau khi phát hiện sự cố, nước vẫn tiếp tục chảy.

Trước đó, vào tháng 11/2011, xuất hiện những tiếng nổ lớn không rõ nguyên nhân ở huyện Bắc Trà My. Sau khi khảo sát và nghiên cứu, Viện khoa học và công nghệ Việt Nam kết luận, khi hồ thủy điện Sông Tranh 2 tích nước, tải trọng nước hồ làm giảm độ bền của đất đá, góp phần dẫn tới dịch trượt làm cho động đất phát sinh, gây nổ và dư chấn trong lòng đất.

Từ Khóa

 Tin mới hơn
▪  EVN hứa đủ điện trong mùa khô  (31/12/1969)
▪  Giảm hơn 700 triệu đồng tiền điện trong Giờ Trái đất  (31/12/1969)
▪  Cần công khai cách tính giá điện  (31/12/1969)
▪  Mọi tập đoàn đều có thể cổ phần hóa  (31/12/1969)
▪  Thành lập hàng loạt Công ty mẹ của các đơn vị phát điện  (31/12/1969)
▪  Cắt điện vô lý, nhà đèn phải chịu phạt  (31/12/1969)
 Tin cũ hơn
▪  Cơ quan EVNNPT chung tay ủng hộ Quỹ Vắc-xin phòng  (31/12/1969)
Địa chỉ: 1111D Hồng Hà, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: (+844 ) 22428521 / Fax: (+844) 38292501